TD is 4U

Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Bún tạo 4 frum cho anh em TD chúng ta và những ai quan tâm đến TD đều được chào đón và gặp gỡ nhau , chia sẽ kinh nghiệm , giao lưu với nhau .

Latest topics

» Một câu chuyện không tên
Thục Sơn Kiếm Hiệp Truyện by BúnBòHuế Icon_minitimeWed Jan 28, 2015 9:25 am by tears_and_ocean

» (¯`•.º-:¦:-† Nhân gian †-:¦:-º.•´¯)
Thục Sơn Kiếm Hiệp Truyện by BúnBòHuế Icon_minitimeTue Sep 11, 2012 9:44 pm by tears_and_ocean

» (¯`•.º-:¦:-† 28/08/2012 †-:¦:-º.•´¯)
Thục Sơn Kiếm Hiệp Truyện by BúnBòHuế Icon_minitimeSat Sep 08, 2012 4:07 pm by tears_and_ocean

» (¯`•.º-:¦:-† bánh xe thời gian †-:¦:-º.•´¯)
Thục Sơn Kiếm Hiệp Truyện by BúnBòHuế Icon_minitimeThu Jun 14, 2012 11:24 am by tears_and_ocean

» THIẾT KẾ WEB NICER
Thục Sơn Kiếm Hiệp Truyện by BúnBòHuế Icon_minitimeWed May 30, 2012 8:22 pm by Admin

» (¯`•.º-:¦:-† phụ tình †-:¦:-º.•´¯)
Thục Sơn Kiếm Hiệp Truyện by BúnBòHuế Icon_minitimeMon Jan 02, 2012 11:42 pm by tears_and_ocean

» 8 lần nối dối của mẹ ( sưu tầm)
Thục Sơn Kiếm Hiệp Truyện by BúnBòHuế Icon_minitimeSat Nov 12, 2011 11:53 am by Admin

» (¯`•.º-:¦:-† những thiên thần của tears †-:¦:-º.•´¯)
Thục Sơn Kiếm Hiệp Truyện by BúnBòHuế Icon_minitimeFri Oct 28, 2011 2:01 pm by tears_and_ocean

» (¯`•.º-:¦:-† sự chờ đợi ngốc nghếch †-:¦:-º.•´¯)
Thục Sơn Kiếm Hiệp Truyện by BúnBòHuế Icon_minitimeWed Oct 26, 2011 2:52 am by tears_and_ocean

Affiliates

free forum


    Thục Sơn Kiếm Hiệp Truyện by BúnBòHuế

    Admin
    Admin
    Admin


    Tổng số bài gửi : 146
    Join date : 15/05/2010
    Đến từ : tp hcm

    New icon Thục Sơn Kiếm Hiệp Truyện by BúnBòHuế

    Bài gửi  Admin Tue May 18, 2010 1:16 pm

    Hồi thứ nhất:
    Nguyệt dạ trạo cô chu
    Vu Hạp đề viên đăng sạn đạo
    Thiên nhai phùng tri
    Dĩ di gia kết bạn ẩn danh sơn



    Canh khuya khua mạn thuyền con
    Vu Hạp vượn hót, đường mòn ta đi
    Góc trời gặp kẻ kỷ tri
    Danh sơn ở ẩn, thị phi xa rời
    ~*~*~*~*~*~*~*~*~*~*~*~*
    Chuyện kể rằng núi Nga My ở tỉnh Tứ Xuyên là một thắng địa nổi tiếng khắp đất Thục. Người xưa nói vùng Tây Thục sơn thuỷ kỳ tú, mà Nga My là một trong những nơi đẹp nhất, câu này thực không phải giả. Ở Tây Thục, thần quyền thắng thế, trên núi có đến vài trăm chùa chiền miếu mạo, thiện nam tín nữ không ngại đường xa ngàn dặm hàng năm vẫn lên núi dâng hương. Hơn nữa, non xanh nước biếc, trùng trùng điệp điệp, cảnh quan vô cùng hùng vĩ và nguy nga tráng lệ nên người chỉ đến để du sơn ngắm cảnh cũng không phải là ít.

    Phong cảnh phía sau núi lại càng thâm u kỳ bí. Chỗ đó vốn là núi sâu chằm lớn có rất nhiều rắn rết, rừng sâu u cốc đều là nơi hổ báo sài lang náu thân. Người đến du ngoạn sau núi thường là chỉ có đi mà không có về, làm người ta suy càn đoán bậy. Có thuyết nói rằng họ bị hổ, lang, yêu ma ăn thịt. Lại có thuyết nói rằng họ được Tiên Phật siêu độ. Mỗi người một ý, mơ mơ hồ hồ không biết đâu là hư đâu là thực. Nói cho cùng thì con người là tấm thân huyết nhục, người ý chí yếu mềm chiếm đến tám, chín phần mười nên do có vết xe đổ từ trước, số người ngắm cảnh hậu sơn ngày càng ít đi so với trước. Ngược lại, việc này lại có lợi cho những cao nhân kỳ sỹ tĩnh dưỡng ẩn cư sau núi, giảm bớt sự quấy nhiễu trần tục, được phúc lành độc hưởng thắng cảnh linh sơn này. Đó là những chuyện sắp kể dưới đây.

    Tứ Xuyên sau khi trải qua loạn Trương Hiến Trung cuối thời Minh thì trong mười nhà có đến chín là bỏ hoang, làm cả một khu vực rộng lớn vài trăm dặm không hề có khói bếp bốc lên trong cảnh chiều tà, biến cả tỉnh Tứ Xuyên vốn được mệnh danh là chốn thiên đường ở hạ giới thành hoang vu lạnh lẽo, giống như chốn của quỷ. Sau khi người Mãn Thanh nhập quan, quan lại ở vùng biên cương dâng tấu trình xin cho dân các tỉnh tiếp giáp với Xuyên như Lưỡng Hồ, Giang Tây, Thiểm Tây di chuyển đến Tứ Xuyên. Thêm vào đó cũng là nhờ Tứ Xuyên đất rộng tài nguyên phong phú, mọi thứ nhu yếu phẩm đều có đủ, cho nên nhân dân di chuyển đến đây đa phần đều được an vui no đủ, không còn nhớ nhung nhiều về quê cũ nữa. Người người đều cảm thấy như về nhà mình nên dần dần khôi phục lại cảnh khói bếp yên vui trù mật.

    Bấy giờ là năm thứ hai sau khi Khang Hy lên ngôi. Có một con thuyền nhỏ từ Vu Hạp ngược dòng tiến lên. Ngoài phu chèo thuyền, trong thuyền chỉ có hai người là cha và con gái cùng một gánh hành lý xác xơ. Ngoài ra còn có một tay nải rất nặng nề, chừng như trong đó là vật làm bằng sắt thép. Lão già đó tuổi mới năm mươi mà râu tóc đã bạc phơ, lúc nào cũng ngẩng đầu nhìn thẳng vào mặt người ta, ánh mắt loang loáng quan sát tứ phía, mặt đầy nếp nhăn, chỉ nhìn cũng biết đó là một lão nhân đã trải qua quá khứ nhiều gian khổ. Nữ tử tuổi chừng mười hai, mười ba, mỹ lệ phi thường, đang e lệ tựa vào một bên lão già, thấp giọng cung kính chỉ trỏ cảnh sương núi, hỏi han liên tục, dáng vẻ ngây thơ quấn quít. Lúc này, sương khói bốn bề nổi lên, cảnh sắc mông lung huyền ảo, vầng trăng sáng xuất hiện trên đỉnh núi xa xa chiếu ánh sáng vàng rực khắp nơi, làm người ta ngắm hoài không chán.

    Lão già bỗng nhiên cao giọng nói: “Trở về cố quốc nhìn lại vầng trăng sáng! Giang sơn đẹp đẽ này, bao giờ mới lại trở về với ta đây!” Lời lão vô cùng thê thiết, nước mắt ròng ròng trên bộ mặt già nua.

    Nữ tử nói: “Cha lại đa cảm rồi. Việc thiên hạ đều có tiền định, dù có bi thương cũng chỉ vô ích mà thôi. Xin cha bảo trọng thân thể.”

    Lão già đang định nói thì thuyền phu đến gần lên tiếng: “Ông lão, trời không còn sớm nữa, trước mặt là mỏm Ô Nha lừng danh, gần đó có thôn trấn. Chúng ta cập bờ nghỉ ngơi, lên bờ tìm mua cơm rượu thôi.”

    Lão già đồng ý: “Được! Ngươi cứ đi đi. Hôm nay ta hơi mệt, không lên bờ đâu.”

    Nhà thuyền đang định nói gì thì đã đến nơi, liền lên bờ đi mất.

    Lúc này trăng sáng như ban ngày, hai cha con họ lấy rượu thịt mang theo ra bày ở đầu thuyền cùng ngồi đối ẩm. Đang khi nhàn nhã, bỗng thấy từ trong khu rừng xa xa một Bạch y nhân* đi tới. Dưới ánh trăng sáng, nhìn rất rõ ràng, người đó lướt tới rất mau, vừa chạy vừa ca lớn, giọng ca trong trẻo và vang xa, có thể làm tan vàng vỡ đá, dần dần đến gần con thuyền nhỏ.

    Lão già nhất thời hứng khởi, gọi với lên: “Đêm thanh trăng sáng, phong cảnh tuyệt vời không nên uổng phí. Ta ở thuyền này có rượu và đồ nhắm. Vị lão huynh kia sao không xuống đây cùng uống một chung?”

    Bạch y nhân đang hát đến lúc cao hứng, bỗng nhiên nghe thấy có người gọi mình, trong lòng thầm nghĩ: “Đây là chỗ nhiều người Xuyên, Tương ở, thật không dễ gặp người phương Bắc như vậy. Giọng nói của lão kia hoàn toàn là khẩu âm của người ở kinh thành, chắc là đồng hương với mình. Lão gọi ta, nói không chừng cũng nên quấy nhiễu lão vài chén.”

    Vừa nghĩ, hắn vừa đi, bất giác đã bước lên thuyền. Hai người đối diện, vừa nhìn nhau, bỗng nhiên lao vào ôm nhau khóc lóc. Lão già nghẹn ngào: “Mới hôm nào chia tay ở kinh thành, ai ngờ lại trùng phùng ở đây! Người cũ còn đây mà sơn hà đã mất, khiến người ta đau lòng lắm thay!”

    Bạch y nhân đỡ lời: “Ở chiến dịch Dương Châu, nghe nói đại ca đã mất rồi. Ai ngờ gặp lại ở nơi đất khách quê người này. Từ lúc đó, đệ lưu lạc khắp chân trời góc bể, thêm được một người tri kỷ thì cũng coi như không còn cô độc nữa. Vị cô nương này chắc là con gái huynh?”

    Lão già đáp: “Ta gặp lại hiền đệ, vui mừng quá đỗi nên quên cả việc bảo tiểu nữ Anh Quỳnh bái kiến.”

    Lão lại thuận miệng nói: “Anh Quỳnh lại đây chào hỏi Chu thúc thúc đi.”

    Nữ tử nghe phụ thân gọi bèn đến cúi đầu chào.

    Bạch Y Nhân cũng khẽ gật đầu đáp lễ rồi nói với lão già: “Đệ thấy cháu nó vẻ mặt xinh đẹp thông minh, không hổ là con nhà võ. Tuyệt nghệ của đại ca nhất định là có truyền nhân rồi.”

    Lão già nói: “Hiền đệ có chỗ không biết. Ngu huynh vì biết võ nghệ nên mới bị tan cửa nát nhà như vậy. Hơn nữa, khi nó vừa ra đời thì mẹ nó vì theo ta mà chết trong đám loạn quân. Mười năm nay ta chạy trốn khắp nơi, chẳng có chỗ nào yên thân cả. Nó cũng nhõng nhẽo đòi ta dạy võ nghệ cho nó. Ta thì lại cho rằng làm người bình thường thì hạnh phúc hơn, hơn nữa hai mắt hài tử này nộ khí quá nặng, nếu học võ nghệ thì tương lai sẽ phát sinh lắm chuyện. Võ nghệ của ta cũng chỉ thường thường bậc trung, dị nhân trong thiên hạ rất nhiều, nếu sở học không tinh thì ngược lại sẽ sinh hoạ sát thân. Ngu huynh chỉ có một mụn con gái này, thực không thể yên tâm được, vì thế chưa từng truyền thụ cho nó chút gì. Chỉ nguyện trong tương lai kiếm cho nó một tấm chồng là người đọc sách, đưa ta về Tây thiên là mãn nguyện rồi.”

    Bạch y nhân nói: “Tuy nói như vậy, nhưng đệ thấy tướng mạo của cháu nó quyết sẽ không chịu chết già đâu. Tương lai sẽ biết thôi.”

    Nữ tử nghe thấy Bạch y nhân nói thế, không nhịn được hai mắt sáng bừng lên, vui mừng ra mặt. Rồi nàng quay ra nhìn cha già, không kiềm chế được lộ ra vẻ u oán.

    Bạch y nhân lại hỏi: “Lần này đại ca nhập Xuyên là có mục đích gì?”

    Lão già đáp: “Nước mất nhà tan. Số phận đã như thế thì ta còn có mục đích gì nữa. Chỉ là đi thật xa để tránh hoạ mà thôi.”

    Bạch y nhân nghe thế mừng lắm nói: “Đệ đến Tứ Xuyên ba năm trước. Gần đây, ở hậu sơn núi Nga My tìm được một thạch động mười phần u tĩnh, phong cảnh xinh đẹp. Hôm qua đệ mới từ trong núi đi ra. Hơn nữa, đệ đang dạy dỗ mấy đứa nhỏ, lần này về thu thập chuẩn bị để đến thạch động ở hậu sơn Nga My ẩn cư, may là gặp được đại ca. Nơi đó mười phần u tĩnh, không dấu chân người, rất nhiều mãnh thú. Nếu đại ca không ngại cháu nó sợ hãi thì ba người chúng ta đồng thời đến đó ẩn cư, chờ đợi thời cơ. Tôn ý đại ca thế nào?”

    Lão già nghe nói có một chỗ tốt như thế, vô cùng cao hứng liền đáp: “Thế thì tốt quá. Nhưng không biết chỗ đó cách núi này bao xa?”

    Bạch y nhân đáp: “Nếu đi đường tắt thì không tới tám, chín mươi dặm. Đại ca sao không cho nhà thuyền quay về, đến nhà đệ ở vài ngày rồi cùng đệ đi tới đó?”

    Lão già đáp: “Vậy thì hiền đệ cứ về trước. Đêm nay ngu huynh sẽ ngủ lại trên thuyền, ngày mai cho nhà thuyền về rồi đến nhà đệ là xong. Nhưng không biết hiền đệ giờ ở chỗ nào? Hai ta đều là người đang trốn tránh, chắc là đệ đã thay đổi họ tên?”

    Bạch y nhân đáp: “Đệ tuy đổi tên nhưng không đổi họ. Ngày mai huynh cứ đến thôn trước mặt tìm đệ. Chỉ cần hỏi thầy đồ dạy trẻ Chu Thuần thì ai cũng biết. Trời không còn sớm nữa, ngày mai đệ còn có một cuộc hẹn nên không đến đón huynh được. May là không xa đây mấy, đệ sẽ ở nhà chờ đại giá.”

    Nói xong liền chia tay hai người.

    Nữ tử thấy Bạch y nhân đi rồi liền hỏi: “Vị Chu thúc phụ đó chắc là người tề danh với cha trong Tề Lỗ Tam Anh** là Chu Lang Chu thúc phụ phải không?”

    Lão già đáp: “Ai nói không phải là hắn? Nhớ ngày trước, Lý Trữ ta cùng hai vị thúc phụ của con là Dương Đạt và Chu Lang uy danh hiển hách ở một dải Tề, Lỗ, Yên, Dự***. Từ khi nhà Minh mất, Dương thúc phụ ngươi vì lòng vẫn hướng về cố quốc nên bị cừu nhân hãm hại. Giờ chỉ còn ta và Chu thúc phụ ngươi hai người mà thôi, không biết liệu có thể gánh vác trách nhiệm thủ lĩnh được không. Lần này đến Nga My sơn thật mừng là có bạn hiền, làm ta giảm bớt rất nhiều tâm sự. Chúng ta nên nghỉ ngơi cho sớm để ngày mai lên bờ.” Nói đến đó, đã thấy hai thuyền phu uống rượu say mèm trở về.

    Lý Trữ liền nói với thuyền phu: “Ta chợt nhớ ra ở đây có một người bà con. Ta tính ở đây vài tháng nên ngày mai sẽ lên bờ. Các ngươi đã vất vả đường dài, tiền công cứ theo sổ sách trả cho ngươi, ngoài ra còn thưởng cho hai người bốn lượng bạc uống rượu chơi. Các ngươi nghỉ ngơi cho sớm đi.”

    Thuyền phu nghe thấy thế vội vàng đáp tạ rồi đi ngủ.

    Sáng hôm sau, cha con Anh Quỳnh dậy sớm, tự mang hành lý, từ biệt nhà thuyền rồi đi đến thôn phía trước.
    Đi được chừng nửa dặm, thấy bên đường có một tiểu đồng tuổi chừng mười một, mười hai, mặt mũi sáng láng như ngọc, trên đầu búi thành hai bím tóc. Lúc này mới là tháng bảy, tháng tám, tiết trời nóng nực, tiểu đồng chỉ vận một chiếc khố ngắn màu xanh.
    Thấy hai người đến gần, tiểu đồng liền tiến lại đón, hỏi: “Hai vị này phải chăng đến tìm lão sư Chu Thuần của cháu?”

    Lý Trữ đáp: “Chúng ta đúng là đến tìm Chu tiên sinh đây. Làm sao cháu biết?”

    Tiểu đồng nghe thế vội vàng cúi đầu bái lạy, miệng đáp: “Sư bá có chỗ không biết. Tối qua lão sư trở về cao hứng đến không ngủ được, nói ở mỏm Ô Nha bất ngờ gặp được sư bá và sư tỷ. Sáng nay lão sư dậy rất sớm vì hôm qua có hẹn với người ta nên không thể đến đón hai vị, sai cháu đến nghênh tiếp, lại lệnh cho cháu dẫn đường cho sư bá. Phía trước là trường học của lão sư người. Lão sư đi phó ước rồi, không lâu sẽ về, mời sư bá ngồi chờ một lát, dùng cơm sáng luôn.”

    Lý Trữ thấy tiểu đồng này dáng vẻ phi phàm, miệng lưỡi linh hoạt nên vô cùng quý mến. Vừa đi vừa nói chuyện, bất giác đã tới nhà Chu Thuần. Tuy chỉ là một toà nhà bằng trúc đơn giản, nhưng rất thanh tịnh sạch sẽ. Tiểu đồng mang đến ba cái bát nhỏ, bày ra một bàn thịt khô, đậu hũ tươi, một hồ rượu rồi mời cha con họ ngồi xuống. Tự mình cũng ngồi xuống một bên bồi tiếp, gã nói “Sư bá, mời dùng bữa sáng.”

    Lý Trữ đang định hỏi thì gã lại ra sau bếp mang vào ba bát mỳ và một đĩa dưa muối. Lý Trữ thấy gã tuổi còn nhỏ, nhưng lại chiêu đãi vô cùng ân cần càng thêm vui vẻ. Lão vừa dùng cơm rượu, vừa hỏi: “Tiểu thế huynh ngươi tên là gì? Từ khi nào ngươi theo sư phụ đọc sách?”

    Tiểu đồng đáp: “Cháu tên Triệu Yến Nhi. Cha cháu vốn là Hàn lâm Học sỹ triều Minh, đã chết trong tay Lý Sấm. Mẹ và cậu cháu chạy đến đây, không ngờ cậu cũng mất. Nhà cháu rất nghèo khổ, không còn cách nào khác cháu phải chăn trâu cho mọi người, mẹ cháu lại giúp việc cho các nhà cũng đủ sống qua ngày. Ba năm trước, Chu tiên sinh đến đây, vì thương cháu là con nhà quan nên kêu cháu bái ông làm sư phụ, thường thường chu cấp cho mẹ con cháu, mỗi ngày lại dạy cháu đọc sách và tập võ. Chu lão sư không có người giúp việc, chỉ có một con gái tên là Khinh Vân. Năm ngoái bỗng có một vị đạo cô+ đến ngoài thôn, cũng muốn thu cháu làm đồ đệ. Nhưng vì có lão mẫu ở nhà nên cháu không dám đi xa. Đạo cô đó gặp sư muội liền đến gặp lão sư cháu nói chuyện đến nửa ngày thì đem sư muội cháu đi, nói rằng đến cái gì Hoàng Sơn học đạo. Cháu vạn phần không muốn thế, đã mấy lần giục lão sư đi tìm sư muội về, lão sư đều nói thời gian vẫn còn sớm. Cháu định tự đi thì lão sư lại không nói cho cháu biết đường đi Hoàng Sơn. Cháu nghĩ đợi lớn thêm một chút nữa thì cháu nhất định sẽ đi tìm sư muội về. Sư muội của cháu ngoại hình cũng giống như vị sư tỷ này, nhưng không có hai cái nốt ruồi đỏ như sư tỷ.”

    Lý Trữ nghe gã nói một hồi, lão chỉ cười nhẹ, lại hỏi gã đang học võ nghệ gì.

    Yến Nhi đáp: “Cháu thiên tư không tốt, chỉ học được một pho Lục Hợp kiếm và ném, đỡ phi tiêu. Nghe lão sư nói, bản lãnh sư bá rất cao, những ngày sau xin sư bá dạy cháu nhé!”

    Nói đến đây thì Chu Thuần về. Yến Nhi vội đứng lên cúi đầu đứng hầu một bên. Anh Quỳnh bái kiến thế thúc. Lý Trữ nói: “Chúc mừng hiền đệ, đệ thu được một đồ đệ rất tốt.”

    Chu Thuần đáp: “Đứa nhỏ này trời sinh thông minh, các khả năng thiên phú cũng không thiếu, chỉ là thích nói nhiều, gặp ai cũng luyên thuyên không ngớt. Một lúc vừa rồi chắc lý lịch nó đệ không cần phải nói nữa rồi.”

    Lý Trữ đỡ lời: “Nó đã nói thân thế của nó cho huynh biết. Nhưng hiền đệ cũng sắp năm mươi rồi, tại sao ngươi lại dễ dàng đem ái nữ giao cho người ta dạy dỗ như vậy là đạo lý gì?”

    Chu Thuần đáp: “Đệ nói Yến Nhi lắm mồm không đúng sao? Việc nó đi là cái duyên của nó. Năm ngoái Yến Nhi dẫn một đạo cô đến gặp đệ. Nói chuyện một hồi mới biết đó là Xan Hà đại sư ở Hoàng Sơn, là một kiếm tiên lừng danh. Bà ta nhìn trúng cháu gái Khinh Vân của huynh, nói nó có tiên cốt trời sinh, thương lượng với đệ, muốn đem Khinh Vân đi, thu nó làm đại đệ tử. Bà ta vốn muốn dẫn cả Yến Nhi đi, nhưng vì nó có mẹ già ở nhà cần người phục thị nên chỉ đành dẫn Khinh Vân đi trước. Cơ hội tốt như thế, cầu còn chưa được, huynh bảo làm sao đệ không đồng ý?”

    Lý Trữ nghe nói không ngừng gật đầu. Anh Quỳnh vì cha không dạy cho võ nghệ nên trong lòng luôn không vui vẻ. Nghe Chu Thuần nói chuyện, nàng không nhịn được mắt sáng rực, trong lòng thầm tính toán. Chu Thuần cũng cảm giác được, bèn nói với nàng: “Cháu gái của ta trong lòng chắc cũng mừng lắm? Nếu nói về thiên tư của thế muội ngươi thì không phải ta nói ngoa, cũng bất phàm. Nhưng nếu luận cốt cách phẩm mạo thì không được bằng một nửa của cháu. Xan Hà đại sư nếu nhìn thấy cháu tất sẽ vui mừng kêu lớn. Cháu không cần vội, sớm muộn gì thì tự sẽ có kỳ duyên đến với cháu, khi đó thì cha cháu cũng không quản được.”

    Lý Trữ nói: “Hiền đệ làm cháu gái của đệ cười rồi. Không tán dóc nữa, bao giờ thì chúng ta đi Nga My sơn? Yến Nhi có đi không?”

    Chu Thuần đáp: “Đệ còn nhiều việc phải thu xếp ở đây, nhiều thì phải mất mười ngày, chúng ta mới có thể lên đường được. Yến Nhi có mẹ già ở nhà nên chỉ còn cách tạm thời ngừng ý muốn học hỏi của nó.”

    Yến Nhi nghe thấy sư phụ không dẫn gã đi cùng, mắt đỏ lên muốn khóc. Chu Thuần nói: “Ngươi không cần phải thế. Bất kể là anh hùng Tiên, Phật cũng không được bất trung bất hiếu. Lần này ta đi không phải là vĩnh biệt, hơn nữa từ đây đến đó chỉ vài chục dặm. Mỗi tháng ta sẽ về một lần dạy ngươi học văn học võ. Chỉ là không thể sớm tối bên nhau mà thôi.”

    Yến Nhi nghe xong, tự nghĩ không có cách gì chỉ trào nước mắt.

    Lý Trữ hỏi: “Học trò trong trường của đệ chẳng lẽ chỉ có một mình Yến Nhi?”

    Chu Thuần đáp: “Sau trở về từ Nga My sơn, đệ đã có ý vào núi ở. Nhân vì lý do này mà đối nhân xử thế rất hòa hoãn, trên đường về đệ cứu được một hàn sỹ tên là Mã Tương. Người này tài đức vẹn toàn, đệ đã tìm được chỗ ở cho y tại Văn Xương các, giao tất cả học sinh cho y dạy. Ai ngờ tối qua lại gặp lại huynh.”

    Lý Trữ nói: “Thì ra là thế. Không lạ sao ngoài Yến Nhi không thấy học trò nào khác.”

    Chu Thuần đỡ lời: “Yến Nhi vốn cũng phải giới thiệu đến đó, nhưng đệ trong nhà không có người giúp việc nên chỉ còn cách làm nhọc đệ tử.”

    Trong lúc nói chuyện chơi thì mặt trời đã ngả về tây. Yến Nhi lại chuẩn bị đầy đủ giường chiếu cho hai cha con rồi mới về nhà.

    Chỉ có Anh Quỳnh vì ban ngày nghe nhiều chuyện khiến nàng trằn trọc mãi không ngủ được. Đêm đã sang canh ba, nàng nghe thấy tiếng Chu Thuần và Yến Nhi nói chuyện ở phòng bên cách một bức vách. Một lúc sau, lại nghe thấy thầy trò họ mở cửa phòng ra giữa viện. Anh Quỳnh nhẹ nhàng bò dậy, nhìn qua khe cửa sổ ra ngoài thấy hai thầy trò tay cầm trường kiếm đang luyện võ công ở giữa sân. Kiếm của Yến Nhi tuy hơi ngắn nhưng cũng dài đến ba thước. Lúc hai người mới múa kiếm thì còn nhìn thấy bóng người. Sau đó thì tốc độ tăng dần, càng múa càng nhanh, chỉ còn thấy hai đạo hàn quang, từng tràng kiếm hoa như tuyết lộn đi lộn lại trong sân viện. Bỗng nghe thấy Chu Thuần nói: “Yến Nhi, con phải nhìn cho cẩn thận.”

    Nói chưa dứt lời, chỉ thấy dưới ánh trăng bóng người tách ra, một đám bóng trắng mờ mờ kéo theo một đạo hàn quang nhanh như chảo chớp phi vọt ra ngoài đình viện đánh vào một cành hoa quế. Lại nghe một tiếng thét “sát”, một cành quế to phía nam rơi xuống. Cành cây bị chấn động mạnh, hoa quế bay lả tả như mưa. Định thần nhìn lại thì hai thầy trò họ đã đứng yên ở vị trí cũ. Bỗng một trận gió lạnh thổi qua, con ngựa sắt trên hiên nhà kêu lên đinh đang vài tiếng, làm Anh Quỳnh nhìn đến ngây người.

    Lại thấy Chu Thuần nói với Yến Nhi: “Chiêu cuối cùng vừa rồi tên là Xuyên vân nã nguyệt, là chiêu lợi hại nhất của Lục Hợp kiếm. Sau này nếu gặp phải cao thủ thì có thể dùng nó để cầu thắng trong bại. Ta vì thấy con có hiếu, lại thấy con rất thông minh hơn người nên mới truyền thụ tuyệt kỹ bình sinh đó cho con. Hai ngày nữa, ta sẽ cùng với sư bá của con vào núi, con phải sớm tối đến chỗ không người chuyên cần luyện tập. Vi sư phải đi ngủ thôi, tối mai ta lại dạy tiếp cho con.”

    Nói xong, Chu Thuần liền về phòng nghỉ ngơi. Yến Nhi đợi Chu Thuần đi rồi mới tự về ngủ.

    Cứ thế được hai ngày, Anh Quỳnh tối tối lại mò dậy ngó trộm hai thầy trò họ tập luyện. Nàng cũng năm lần bảy lượt đòi phụ thân dạy cho học kiếm pháp. Lý Trữ bị nàng lằng nhằng không chịu nổi, lại được Chu Thuần khuyên giải, trong lòng lão đã dao động, bèn nói với nàng: “Kiếm là tổ của người học võ, cực khó luyện. Thứ nhất là phải luyện tập thường xuyên không ngừng nghỉ, thứ hai là phải luyện khí ngưng thần, tâm tĩnh như mặt nước. Đạt được hai điều đó rồi thì còn cần phải có danh nhân truyền thụ. Ngươi từ nhỏ được yêu chiều quen rồi, sức khoẻ chưa từng được rèn luyện thật là khó mà dạy được. Nếu ngươi vẫn kiên trì muốn học thì đợi đến khi vào trong núi, mỗi ngày vào lúc sáng sớm trước hết là học công phu dưỡng khí và nội công công pháp. Hai, ba năm sau mới có thể truyền kiếm pháp cho ngươi. Tính khí ngươi nóng nảy như thế, sau này khéo lại làm phiền đến ta.”

    Anh Quỳnh nghe xong, thấy Yến Nhi còn ít tuổi hơn nàng mà đã học được rất khá rồi. Lời phụ thân nàng dường như là cố ý gây khó khăn, làm trong lòng nàng có chút không phục. Nàng đang định nói thì Chu Thuần lên tiếng: “Cha cháu nói rất là có lý. Muốn học kiếm pháp thượng thừa thì không thể không luyện khí quy nhất như lời ông ấy. Cháu mấy hôm nay nhìn trộm ta truyền kiếm pháp cho Yến Nhi, tưởng là rất dễ dàng, nhưng đấy là cháu chưa biết những nổi khổ sở của Yến Nhi khi học kiếm đó. Ta vì thấy cháu khi nhìn trộm tỏ ra rất thành tâm nên mới nói giúp cho cháu, khuyên cha cháu vài câu thì mới được ông ấy đáp ứng đó. Kiếm pháp của phụ thân cháu giỏi hơn ta nhiều, lời ông ấy nói không có một chút nào là giả cả. Cháu gái yêu không nên hiểu lầm.”

    Lý Trữ tiếp lời: “Quỳnh Anh ngươi không nên tự phụ rằng ngươi thông minh. Việc học kiếm quả thực không hề dễ dàng, nếu không ngưng thần dưỡng khí được thì không thể học nổi. Khi thành công rồi thì trong vòng mười trượng dù là hạt cát rơi xuống đất đều có thể nghe được rõ ràng. Ví như ngươi mỗi lần xem trộm, tại sao thế thúc lại biết? Nguyên nhân chính là như thế. Việc rõ ràng như thế mà còn không biết thì còn nói đến kiếm pháp quái gì nữa? May xem trộm là ngươi, chứ nếu là người khác muốn hành thích ở sau song cửa thì khi đang múa kiếm sẽ bị người ta ám toán sao?”

    Anh Quỳnh nghe xong lời cha nói, tuy đã phục rồi, nhưng vẫn không muốn thôi. Nàng lại ngấm ngầm đi hỏi Yến Nhi, quả nhiên được biết gã trước khi học kiếm đã phải trải qua bao nhiêu đau khổ khó khăn, sau đó lại phải khổ công luyện tập rất nhiều. Đến lúc đó thì nàng mới tâm phục khẩu phục.

    Thời gian thấm thoát thoi đưa, bất giác đã đến ngày lên đường. Một đám đông học trò cùng gia đình và cả thày giáo mới là Độc Phu tử Mã Tương cũng đều đến chia tay. Yến Nhi còn đi tiễn hơn hai mươi dặm, dùng dằng không muốn chia tay. Đến khi ba người giục quá thì gã mới gạt lệ trở về.

    Chú thích

    * Người mặc áo trắng.

    ** Tề Lỗ: Chỉ vùng Sơn Đông vì nước Tề và Lỗ thời Xuân Thu đều nằm ở tỉnh này. Tề Lỗ Tam Anh: Ba người anh hùng ở Sơn Đông.

    *** Quanh vùng Sơn Đông, Hà Nam và Hà Bắc.

    + Nguyên văn là “Lão đạo cô” tức là đạo cô theo đạo Lão. Thông thường chúng ta gọi là đạo cô[b]

      Hôm nay: Wed May 08, 2024 2:50 am